Không phải ngẫu nhiên mà Wagashi được xem là tinh hoa ẩm thực và nghệ thuật của Nhật Bản – Ảnh: Internet
Nếu bạn đang theo đuổi con đường trở thành Đầu bếp bánh Nhật hay yêu thích ẩm thực chắc hẳn sẽ không còn xa lạ với Wagashi. Wagashi là tên gọi dùng để chỉ chung các loại bánh ngọt thơm ngon, có vẻ ngoài bắt mắt, được sáng tạo theo chủ đề thời tiết, cây cỏ theo mùa. Người Nhật vốn nổi tiếng về quan niệm thẩm mỹ sâu sắc nên cái đẹp từ lâu đã trở thành chuẩn mực trong hầu hết lĩnh vực, đời sống xứ anh đào, kể cả ẩm thực. Và Wagashi là một trong những biểu tượng xuất sắc về tính thẩm mỹ của ẩm thực Nhật.
Wagashi – từ món bánh thượng lưu đến phổ biến ở Nhật Bản
Xuất hiện rất sớm ở Nhật từ thời Yayoi (300 TCN – 300), Wagashi có mục đích ban đầu là món ăn tế thần. Đến thời Edo (1603 – 1867), Wagashi dần dần được các nghệ nhân làm bánh phát triển thành nghệ thuật đỉnh cao, phổ biến khắp cả nước Nhật. Wagashi góp mặt vào các bữa ăn của quý tộc, quà biếu vào những dịp trọng đại, tráng miệng sau buổi tiệc trà của giới thượng lưu… như một cách khẳng định đẳng cấp.
Đến thời Minh Trị (1868 – 1912), Nhật tiến hành mở cửa chính sách ngoại giao, từ đó giúp Wagashi được người phương Tây biết đến nhiều hơn. Và sức hút đặc biệt của Wagashi đã được thế giới công nhận như một trong những đại diện tiêu biểu cho nền ẩm thực Nhật.
Wagashi từng chỉ để phục vụ giới thượng lưu ở Nhật – Ảnh: Internet
Đi tìm “ẩn tình” đằng sau sức hấp dẫn của Wagashi
Wagashi trong tiếng Hán có nghĩa là “Hòa quả Tử”, được hiểu là vẻ đẹp của tự nhiên. Mỗi chiếc bánh Wagashi được ví như một tiểu vũ trụ tổng hòa những yếu tố đẹp đẽ nhất trong đất trời. Đó là lý do tại sao các nghệ nhân Wagashi thường lấy ý tưởng về thiên nhiên và đặc biệt là nhân đậu đỏ tượng trưng cho con người để tạo nên những chiếc bánh tuyệt hảo. Bánh sẽ được “nhuộm màu” theo các mùa trong năm, còn hình dạng bánh thì đa dạng: Hoa anh đào, lá phong, bông tuyết, lá mơ… vừa tạo sự gần gũi vừa thanh tao, nhẹ nhàng. Thêm một lý do nữa khiến đậu đỏ trở thành lựa chọn lý tưởng để làm nhân Wagashi chính bởi vì người Nhật tin rằng, đậu đỏ có thể xua đuổi ma quỷ, khắc chế điềm xấu, mang lại may mắn.
Với triết lý sâu sắc đó, Wagashi trở thành nghệ thuật ẩm thực đặc trưng và tự hào của người Nhật. Người ta mở rất nhiều lớp học dành riêng để truyền dạy nghệ thuật làm bánh Wagashi. Để trở thành nghệ nhân Wagashi, Đầu bếp bánh thường mất tới 12 năm học tập mới thạo nghề. Điều này lý giải cho việc tuyển dụng Đầu bếp bánh Nhật, mà đặc biệt là bánh Wagashi luôn được các đơn vị chú trọng và đưa ra nhiều chính sách phúc lợi hấp dẫn nhằm chinh phục nhân tài.
“Điểm mặt” các loại Wagashi điển hình
Wagashi ngày nay vẫn gắn liền với đời sống và văn hóa người Nhật nhưng đã được thêm nhiều “phiên bản” mới nữa để phù hợp với cuộc sống hiện đại lẫn nhu cầu thưởng thức bạn bè năm châu. Nhắc đến Wagashi, nhất định không thể bỏ qua các những tác phẩm điển hình sau.
Nghệ thuật làm Wagashi đang lan tỏa đến bạn bè quốc tế – Ảnh: Internet
– Mochi: Mochi là loại bánh cơ bản và phổ biến nhất trong thế giới Wagashi. Bánh có hình tròn, được làm từ bột gạo nấu chín và giã nhuyễn, nhân đậu đỏ truyền thống hoặc được biến tấu với trà xanh, khoai môn, xoài… Vỏ bánh màu trắng cũng trở nên đa sắc hơn nhằm thu hút thực khách.
– Namagashi: Được xem là phiên bản đặc biệt của Mochi, mô phỏng hình dáng của các loài hoa cỏ đặc trưng cho 4 mùa ở Nhật như hoa anh đào mùa xuân, quýt vàng mùa hạ, lá phong mùa thu, hoa mơ mùa đông… Namagashi thường được người Nhật mang đi biếu, tặng với mong muốn cầu chúc người nhận sẽ được an yên, hạnh phúc cả năm.
– Ukishima: Gần giống với bánh bông lan ở phương Tây, chúng được làm nên từ bột, trứng và đường nhưng được hấp thay vì nướng. Sự góp mặt của đậu đỏ đã giúp Ukishima tạo nên một Wagashi phong vị Nhật Bản rất riêng. Vẻ đẹp của Ukishima được thể hiện hài hòa giữa các tầng bánh.
– Higashi: Còn được gọi là Wagashi bởi chúng được nén lại trong khuôn tương tự như bánh in, có vị ngọt thanh đặc trưng của đường mía wasambonto (loại đường mía thượng hạng ở Tokushima – Nhật).
– Manju: Làm từ bột củ từ (jojo), hình dáng hơi giống bánh bao Việt Nam, ở giữa là nhân đậu, được trẻ em Nhật yêu thích.
Nếu Teppanyaki là niềm tự hào của các Đầu bếp nóng thì Wagashi chính là nấc thang đỉnh cao mà bất kỳ ai theo đuổi nghề bánh cũng mong muốn đạt được. Bạn đã thưởng thức hay trổ tài chế biến Wagashi chưa?