[Sachpro.com] Cả xã hội mất niềm tin vào thực phẩm?

Để bảo vệ bữa ăn của mình, nhiều người dân phải tự trồng rau, nuôi gà giữa phố. Một số còn về đặt gạo, mua heo. Thực phẩm bẩn đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin.

Việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay bị đánh giá dường như quá rối. Có tới 3 đơn vị là Bộ y tế, Công Thương và Nông nghiệp quản lý. Khi có vấn đề xảy ra thì 3 đơn vị ngồi lại phân tích, đổ lỗi và không ai nhận trách nhiệm cuối cùng.

Mỗi ngày, một người nạp vài chục chất phụ gia

Bác sĩ Nguyễn Văn Ký, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật, An toàn thực phẩm tỏ ra lo ngại về tình trạng sử dụng chất phụ gia trong thực phẩm hiện nay.

“Phụ gia thực phẩm hoàn toàn không có bất kỳ ý nghĩa dinh dưỡng nào cho con người, nhưng tại sao người ta lại cho phụ gia vào thực phẩm. Phụ gia tôi đề cập ở đây là loại được phép, nhà sản xuất cho vào thực phẩm để tạo màu, mùi, vị, độ dai, giòn, dẻo… Trong khi đó, pháp luật hiện không quy định cụ thể một thực phẩm tối đa được sử dụng bao nhiêu chất. Đây là nguyên nhân gây nên những căn bệnh chết người từ thực phẩm, trong đó có ung thư”, bác sĩ Ký nói.

Theo bác sĩ Ký, trong một loại thực phẩm được phép đang bán trong siêu thị hiện nay, bình quân có 6-7 loại phụ gia, thậm chí có những loại tới 20 chất phụ gia. Nhưng điều nguy hiểm nhất là có những loại phụ gia nhà sản xuất chỉ ghi là chứa chất a, b, nhưng thực tế trong chất a, b đó lại có 4-5 chất khác.

“Người tiêu dùng thử đi siêu thị, tìm một gói bột nêm, đọc xem trên nhãn họ ghi có bao nhiêu thành phần thì sẽ có tương đương chừng ấy chất phụ gia”, ông cho biết.  Vậy thì tính xem mỗi người chúng ta từ sáng tới tối đang phải nạp vào cơ thể một lượng chất phụ gia rất khủng khiếp, từ cà phê, thức ăn, nước uống…

Theo bác sĩ Ký, luật pháp chưa quy định một loại thực phẩm được phép sử dụng bao nhiêu loại phụ gia, mà mới ràng buộc bằng khống chế hàm lượng tối đa của một chất.

Ví dụ: Với một sản phẩm chả giò, chất phụ gia A được phép sử dụng để chống nhiễm khuẩn là 10 g/kg. Không thể dùng 11 g/kg, nhà sản xuất sử dụng 3-4 chất phụ gia khác cũng có tác dụng diệt khuẩn, mỗi thứ không quá 10 g nữa. Tính tổng hàm lượng của các chất này bao nhiêu thì chưa có quy định.

“Trong khi thế giới hạn chế đến mức thấp nhất việc đưa phụ gia vào thực phẩm, coi trọng đồ ăn tươi sống thì Việt Nam lại đang lạm dụng phụ gia bảo quản thực phẩm, không cần khoa học kỹ thuật, chỉ cần hóa chất… Với cách sản xuất này, trong 1 ngày, từ sáng đến tối, một người tiêu dùng có thể nạp vào người mấy chục chất phụ gia. Ngày nào cũng đều đặn như vậy thì 5-10 năm sẽ ra sao.

Chất được phép sử dụng, nhưng sử dụng quá mức thì dẫn tới độc hại, cơ thể không đào thải hết thì dẫn tới phản ứng. Đừng nghĩ phụ gia công nghiệp, hóa chất cấm mới độc hại, mà loại sử dụng cho chế biến thực phẩm cũng độc hại khôn lường. Phụ gia cho phép nhưng ăn quá nhiều sẽ gây ung thư, tôi muốn nhấn mạnh như vậy”, bác sĩ Ký nói.

Thống kê từ 2006-2010, cả nước xảy ra 944 vụ ngộ độc thực phẩm với 33.168 người mắc và 259 người chết.

Nguồn thực phẩm hàng ngày phụ thuộc 70-80% từ các tỉnh ngoài nên rất khó quản lý, kiểm tra. Các khu công nghiệp, chợ sinh viên, công nhân, chợ tự phát là những nơi bất an cho đến sức khỏe, tính mạng con người vì thực phẩm không an toàn, mất kiểm soát.

90% người dùng không biết quyền lợi của mình

Thực phẩm bẩn đang là vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay. Cấp thiết nhất lúc này là cần tăng cường 2 khả năng tự vệ cho người tiêu dùng.

Thứ nhất là hiểu biết pháp luật. Vấn đề này cơ quan quản lý Nhà nước lâu nay chưa phổ biến được đến dân. Người dân không hiểu biết pháp luật thì làm sao bảo vệ được mình. Khi làm một khảo sát nhỏ, nhận thấy có đến 90% người tiêu dùng được hỏi không biết mình mua một sản phẩm rồi thì được quyền lợi gì trong thời gian bảo hành. Hoặc nếu hỏi về hạn sử dụng ghi trên sản phẩm người tiêu dùng cũng rất mù mờ. Ví dụ, một sản phẩm ghi là hạn sử dụng ngày…, hay hạn sử dụng đến ngày…, sử dụng tốt nhất đến ngày… thì không biết nên sử dụng ra sao.

Kỹ năng thứ 2 là chọn đúng nơi mua sản phẩm. Cần mua của người thân quen, tin tưởng, mua của các điểm bán uy tín, không nên mua ở hàng rong, chợ cóc, xe đẩy không đảm bảo chất lượng.

Vị này cũng cho rằng, cần xem lại hệ thống quản lý. Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang trong tình trạng cha chúng không ai khóc. Bởi việc quản lý hiện nay quá rối, có tới 3 đơn vị là bộ y tế, công thương và nông nghiệp quản lý. Khi có vấn đề xảy ra thì cả 3 đơn vị ngồi lại phân tích, đổ lỗi, không ai nhận trách nhiệm, để người tiêu dùng lãnh đủ.

Bức xúc hiện nay là làm sao để người tiêu dùng có công cụ phân biệt được hàng thật hàng giả một cách trực quan, nhanh chóng, để họ bảo vệ mình.

Các cơ quan nhà nước hiện mới đưa ra các giải pháp phòng vệ nhưng lại không có phương tiện, công cụ thực hiện. Đơn vị đi bắt thực phẩm bẩn thì vất vả, rình mò để phát hiện, nhưng xử lý lại chỉ theo kiểu vuốt đuôi. Muốn xử lý dứt điểm phải có giải pháp tấn công, phải xem người làm thực phẩm bẩn là tội phạm nguy hiểm đe dọa đời sống xã hội.

Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của Sachpro.com để có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả của những đồ dùng nhà bếp và thực phẩm hàng ngày nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *